Tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt khác đã đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, bất chấp số liệu việc làm tháng 4 kém khả quan hơn dự kiến.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 164.000 công việc mới trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 192.000 công việc mới mà các nhà phân tích dự báo trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 giảm còn 3,9%, gần mức thấp nhất 17 năm rưỡi, do một số người Mỹ dừng tìm kiếm việc làm.
Tiền lương trung bình theo giờ của người lao động Mỹ thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 0,1% trong tháng 4, sau khi tăng 0,2% trong tháng 3. So với cùng kỳ năm 2017, tiền lương theo giờ tăng 2,6%. Tốc độ tăng tiền lương chậm làm giảm bớt những áp lực lạm phát - nhân tố có thể thúc đẩy việc tăng lãi suất.
"Chỉ là hơi dừng một chút, nhưng không gì có thể cản được đà tăng của đồng USD", ông Steven Englander, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược thuộc Rafiki Capital, nhận định.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng lên mức 92,9 điểm, cao nhất kể từ ngày 28/12, trước khi giảm về 92,566 điểm.
Đồng bạc xanh cũng vượt ngưỡng ngang giá với đồng Franc Thụy Sỹ, có lúc 1,0022 Franc Thụy Sỹ mới đổi được 1 USD.
Đồng USD tăng giá mạnh thời gian gần đây khi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác, gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sẽ hành động chậm hơn. Đến thời điểm hiện tại, đồng USD đã hồi phục hoàn toàn phần mất mát trong đợt giảm giá hồi đầu năm.
"Câu chuyện của mấy ngày trở lại đây là ECB và Anh chưa thể tăng lãi suất theo FED. Trừ phi các dữ liệu kinh tế của châu Âu và Anh có sự khởi sắc đáng kể, đồng USD sẽ còn tăng giá trong mấy tuần tới", ông Gavin Friend, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc NAB, phát biểu.
Tuần này, đồng USD đã tăng vượt ngưỡng cản kỹ thuật trung bình 200 ngày lần đầu tiên kể từ đầu năm. Sự tăng giá mạnh mẽ này của đồng USD thậm chí đã khiến nhiều quỹ đầu cơ bất ngờ, bởi trước đó họ đã giữ trạng thái bán khống USD. Khi USD tăng giá mạnh, các quỹ đó phải mua vào để đóng trạng thái bán khống, khiến đồng bạc xanh càng tăng giá mạnh hơn.
Tuy vậy, chiến lược gia tiền tệ Erik Nelson thuộc ngân hàng Wells Fargo ở New York dự báo khả năng tăng giá thêm của USD là hạn chế, bởi thị trường không thể bi quan hơn nữa về tình hình kinh tế Anh và châu Âu.
"Tôi cho rằng các nền kinh tế đó đủ mạnh để các ngân hàng trung ương của họ tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ", ông Nelson phát biểu.
Chủ tịch FED tại San Francisco, ông John William, nói vào hôm thứ Sáu rằng ông không nhận thấy khả năng lạm phát tăng mạnh, cho dù lạm phát ở Mỹ đang tiến gần tới mục tiêu 2% của FED. Việc lạm phát không có biến động bất ngờ đồng nghĩa với việc FED sẽ duy trì tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách từ từ.
Theo Diệp Vũ
VnEconomy